Hotline hỗ trợ khách hàng

Những điều cần biết về vắc-xin COVID-19?

02/06/2021

Cùng với những biện pháp xét nghiệm và phòng, chống dịch hiệu quả, vắc-xin là công cụ quan trọng giúp kiểm soát đại dịch COVID-19. Một số vắc-xin COVID-19, bao gồm vắc-xin được sản xuất bởi Oxford-AstraZeneca, Pfizer/BioNTech và Moderna, đã vượt qua quá trình kiểm duyệt nghiêm ngặt của nhiều cơ quan quản lý nhà nước trên thế giới, trong khi các vắc-xin khác vẫn đang trong quá trình thẩm định. Cuộc đua về tiêm phòng COVID-19 cho người dân đã bước sang trang mới.

Đại dịch COVID-19 là một mối đe dọa lớn đối với trẻ em, không chỉ dừng lại ở tác động trước mắt về sức khỏe thể chất. Việc kéo dài hoặc tái áp dụng biện pháp phong tỏa tiếp tục ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận trường học và dịch vụ y tế thiết yếu của trẻ em. Những hệ quả bao gồm trường học đóng cửa, thu hẹp độ bao phủ của các dịch vụ y tế thường quy và suy thoái kinh tế tiềm ẩn đang đe dọa đến sức khỏe và tương lai của cả một thế hệ trẻ em.

Sau đây là câu trả lời cho những câu hỏi thường gặp nhất của phụ huynh về vắc-xin COVID-19.

Khi nào vắc-xin COVID-19 sẽ có mặt tại Việt Nam?

Để phát triển vắc-xin an toàn và hiệu quả đòi hỏi nhiều thời gian. Song, nhờ nỗ lực đầu tư cho nghiên cứu, phát triển vắc-xin và hợp tác toàn cầu ở quy mô lớn chưa từng thấy, các nhà khoa học đã phát triển được vắc-xin ngừa COVID-19 trong thời gian kỷ lục mà vẫn đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt và quy định khắt khe trên cơ sở thực chứng.

Kể từ tháng 12 năm 2020, vắc-xin COVID-19 đã bắt đầu được phân phát và sử dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam sẽ nhận được ít nhất 4,1 triệu liều vắc-xin COVID-19 của Oxford-AstraZeneca trong khuôn khổ Chương trình COVAX (COVAX Facility). Theo kế hoạch, 1,2 triệu liều vắc-xin sẽ đến Việt Nam trong Quý I năm 2021 và hơn 2,9 triệu liều vắc-xin trong Quý II.

Trong tương lai gần, Chính phủ Việt Nam có thể sẽ mua thêm các loại vắc-xin an toàn và hiệu quả mới đã được kiểm duyệt ở những quốc gia khác. Đồng thời, chính Việt Nam cũng đang nghiên cứu thêm một số loại vắc-xin COVID-19 để kiểm tra mức độ an toàn và hiệu quả. Điều này có thể giúp đẩy nhanh tốc độ triển khai tiêm chủng gần như toàn dân trong tương lai.

Ai sẽ được tiêm vắc-xin COVID-19 tại Việt Nam?

Nhu cầu vắc-xin khổng lồ trên toàn cầu đồng nghĩa không thể tiêm chủng cho tất cả mọi người cùng một lúc. Sẽ mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, để có thể sản xuất đủ vắc-xin cho tất cả mọi người. Việt Nam đã xác định 11 nhóm ưu tiên, trong đó có nhân viên y tế, nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh, lực lượng quân đội, lực lượng công an và giáo viên. Đây là những đối tượng sẽ được tiêm vắc-xin đầu tiên.

Sau nhân viên y tế tuyến đầu và nhóm dân số nguy cơ cao, giáo viên, cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em và các lực lượng khác cung cấp dịch vụ thiết yếu cho trẻ em cần được ưu tiên tiêm vắc-xin COVID-19. Làm được điều này là cả một thành tựu to lớn, song trong những năm đầu, sẽ không có đủ vắc-xin để tiêm chủng rộng rãi. Bởi vậy, người dân cần tiếp tục thực hiện những biện pháp phòng ngừa để bảo vệ bản thân cũng như gia đình và cộng đồng, bao gồm giãn cách xã hội, rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang.

Có nên cho con tiêm vắc-xin COVID-19 hay không?

Theo kế hoạch của COVAX, những lô vắc-xin đầu tiên chuyển đến các quốc gia sẽ dành cho nhân viên y tế, cán bộ xã hội và đối tượng có nguy cơ cao sẽ mắc bệnh nặng nếu nhiễm vi-rút như người cao tuổi hoặc người mắc bệnh lý nền. Trẻ em khả năng cao sẽ không thuộc nhóm này. Những nhóm đối tượng này được ưu tiên nhằm giảm tỷ lệ mắc bệnh từ COVID-19 và bảo toàn hệ thống y tế phục vụ toàn dân. Các hướng dẫn và tình hình cung ứng vắc-xin có thể sẽ thay đổi theo thời gian. Vì vậy, phụ huynh nên cập nhật tin tức từ các nguồn chính thống như WHO và Bộ Y tế.

Dù vậy, phụ huynh cần đảm bảo tiếp tục cho trẻ đi tiêm chủng định kỳ theo đúng lịch, cũng như nghiên cứu thông tin về cách đưa trẻ đi tiêm chủng sao cho an toàn.

Vắc-xin COVID-19 đang được phát triển như thế nào?

Vắc-xin hoạt động bằng cách mô phỏng các tác nhân gây bệnh như vi-rút, vi khuẩn hoặc vi sinh vật khác. Điều này “dạy” cho hệ miễn dịch của chúng ta cách đề kháng nhanh chóng và hiệu quả.

Thông thường, vắc-xin sẽ đưa vào cơ thể tác nhân gây bệnh ở trạng thái suy yếu để hệ miễn dịch có thể ghi nhớ. Bằng cách này, hệ miễn dịch của chúng ta có thể nhanh chóng nhận biết và tiêu diệt tác nhân gây bệnh trước khi chúng phát tác nếu chúng quay trở lại. Đó là cơ chế phát triển một số loại vắc-xin hiện nay, bao gồm vắc-xin COVID-19 của Oxford-AstraZeneca.

Các loại vắc-xin khác như vắc-xin ARN và ADN áp dụng phương pháp tiếp cận mới. Thay vì sử dụng kháng nguyên (chất kích thích hệ miễn dịch sản sinh kháng thể), vắc-xin ARN và ADN đưa mã di truyền vào cơ thể để hệ miễn dịch tự sản sinh ra kháng thể. 

Vắc-xin COVID-19 có an toàn không?

Vắc-xin COVID-19 của Oxford-AstraZeneca đã được cấp Giấy phép sử dụng khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và phê duyệt sử dụng tại Việt Nam bởi Chính phủ. Vắc-xin này được phát triển và thử nghiệm bởi Đại học Oxford phối hợp với công ty liên doanh Anh-Thụy Điển AstraZeneca.

Những loại vắc-xin được WHO phê duyệt sử dụng đã trải qua quá trình thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và thử nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt về mức độ an toàn và hiệu quả trong kiểm soát bệnh. Mỗi quốc gia đều có cơ quan quản lý làm nhiệm vụ giám sát an toàn và hiệu quả vắc-xin trước khi chúng được sử dụng rộng rãi. Ở cấp quốc tế, WHO hợp tác với các cơ quan kỹ thuật độc lập để thẩm định tính an toàn của các loại vắc-xin trước và thậm chí là sau khi triển khai vắc-xin. Dù đang được phát triển với tốc độ khẩn trương nhất có thể, các loại vắc-xin COVID-19 chỉ có thể được phê duyệt khi đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe về mức độ an toàn và hiệu quả.

UNICEF luôn đặt sự an toàn của trẻ em cùng gia đình, trong đó có việc cung ứng vắc-xin an toàn, làm ưu tiên hàng đầu.

UNICEF đóng vai trò như thế nào trong việc cung ứng vắc-xin COVID-19?

Quá trình từ phát triển, cấp phép, sản xuất hàng loạt cho đến triển khai vắc-xin rộng rãi là một hành trình dài. Sau khi được phê duyệt, vấn đề quan trọng tiếp theo là đảm bảo rằng những đối tượng cần tiêm chủng nhất được tiếp cận vắc-xin một cách dễ dàng, kịp thời và công bằng. Đây là lĩnh vực mà UNICEF và các đối tác can thiệp hỗ trợ.

UNICEF, với lợi thế là cơ quan mua sắm vắc-xin với số lượng lớn nhất trên thế giới, đã hợp tác với Chương trình COVAX (Đảm bảo tiếp cận vắc-xin COVID-19 toàn cầu) để mua sắm và cung ứng vắc-xin với số lượng và tốc độ có thể nói là lớn nhất và nhanh nhất trên thế giới.

COVAX là gì?

“Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19” (ACT) là chương trình hợp tác toàn cầu nhằm thúc đẩy việc phát triển, sản xuất và tiếp cận công bằng với dịch vụ xét nghiệm, điều trị và vắc-xin COVID-19. Mục đích của COVAX – hợp phần trụ cột về vắc-xin trong chương trình ACT là đẩy nhanh quá trình phát trình phát triển và sản xuất các loại vắc-xin COVID-19, đồng thời đảm bảo tiếp cận vắc-xin COVID-19 công bằng và bình đẳng cho tất cả các quốc gia trên thế giới.

Nhiệm vụ của COVAX là liên tục theo dõi quá trình phát triển của các loại vắc-xin COVID-19 để nhận diện những vắc-xin đáp ứng tốt nhất yêu cầu. COVAX hợp tác, khuyến khích các nhà sản xuất vắc-xin mở rộng quy mô sản xuất trước khi vắc-xin được phê duyệt.

Lý do là bởi thông thường, các nhà sản xuất có xu hướng ngần ngại đầu tư mạnh tay vào việc mở rộng cơ sở sản xuất vắc-xin trước khi vắc-xin được phê duyệt. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch hiện nay, sự chần chừ này sẽ dẫn đến chậm trễ cung ứng và thiếu hụt vắc-xin sau khi được cấp phép.

Liên kết website

Thống kê truy cập

Số người online: 8
Tổng số truy cập: 266868