Hotline hỗ trợ khách hàng

Khả năng miễn dịch kinh ngạc của vaccine phòng COVID-19, có thể là suốt đời

07/06/2021

Tờ New York Times cho biết, theo hai nghiên cứu mới, khả năng miễn dịch với COVID-19 ở người kéo dài ít nhất một năm, thậm chí có thể là suốt đời, được cải thiện theo thời gian, đặc biệt là sau khi tiêm chủng. Phát hiện này có thể giúp xoa dịu nỗi lo sợ lâu nay rằng khả năng bảo vệ trước virus SARS-CoV-2 sẽ chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn.

Những ai cần và không cần mũi tiêm tăng cường 

Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng hầu hết những người đã hồi phục sau mắc COVID-19 và sau đó được tiêm chủng đầy đủ sẽ không cần tiêm mũi tăng cường.

Tuy nhiên, vẫn có hai nhóm có thể cần tiêm vaccine tăng cường, là những người đã tiêm vaccine mà chưa từng bị nhiễm bệnh, và số ít người đã nhiễm virus nhưng cơ thể không sản sinh ra phản ứng miễn dịch mạnh. 

Cả hai nghiên cứu trên đều xem xét những người đã phơi nhiễm COVID-19 khoảng một năm trước đó.  Nghiên cứu được công bố hôm 25/5 trên tạp chí Nature cho thấy, các tế bào B có khả năng ghi nhớ về virus SARS-CoV-2 vẫn tồn tại trong tuỷ xương và có thể tạo ra kháng thể bất cứ khi nào cần thiết. Nghiên cứu còn lại, đăng trên trang BioRxiv, chuyên nghiên cứu sinh học, phát hiện rằng các tế bào được gọi là “tế bào nhớ B” này vẫn tiếp tục phát triển và mạnh lên trong ít nhất 12 tháng kể từ lần lây nhiễm COVID-19 đầu tiên. 

Tiến sĩ Scott Hensley, một nhà nghiên cứu miễn dịch học tại Đại học Pennsylvania (Mỹ) giải thích: “Các nghiên cứu cho thấy khả năng miễn dịch được tạo ra do lây nhiễm virus và tiêm chủng có thể sẽ tồn tại lâu dài".

Chú thích ảnh
Các nghiên cứu có thể xua đi nỗi lo sợ rằng khả năng miễn dịch với virus gây COVID-19 chỉ là thoáng qua, như trường hợp với virus Corona gây cảm lạnh thông thường. Ảnh: New York Times

Trên thực tế, các tế bào nhớ B được tạo ra để phản ứng với sự lây nhiễm SARS-CoV-2 và khi được tăng cường bằng việc tiêm chủng, chúng sẽ mạnh đến mức có thể ngăn chặn ngay cả các biến thể của virus này và giúp cơ thể không cần đến mũi tiêm tăng cường.

Michel Nussenzweig, một nhà nghiên cứu miễn dịch học tại Đại học Rockefeller, người dẫn đầu cuộc nghiên cứu về sự trưởng thành của tế bào nhớ B nói: “Những người đã nhiễm bệnh và được chủng ngừa thực sự có phản ứng tuyệt vời, một bộ kháng thể tuyệt vời, bởi vì họ tiếp tục phát triển các kháng thể của mình. Tôi hy vọng rằng chúng sẽ tồn tại trong thời gian dài”.

Tuy nhiên, kết quả này có thể không đúng với sự bảo vệ miễn dịch chỉ có nguồn gốc từ vaccine, bởi “trí nhớ miễn dịch” có thể được tổ chức khác sau khi chủng ngừa, so với sau khi bị nhiễm bệnh tự nhiên. Điều đó có nghĩa là những người không mắc COVID-19 và đã chủng ngừa vẫn cần một mũi tiêm tăng cường.

Chú thích ảnh
Các tế bào nhớ B được tạo ra để phản ứng với nhiễm COVID và nếu được tăng cường bằng vaccine, chúng sẽ mạnh đến mức có thể ngăn chặn được cả các biến thể của virus, mà không cần mũi tăng cường. Ảnh: The New York Times

Đã nhiễm COVID-19, vẫn nên tiêm vaccine

Khi lần đầu tiên gặp virus SARS-CoV-2, tế bào nhớ B nhanh chóng tăng sinh và sản xuất kháng thể với số lượng lớn. Khi tình trạng nhiễm trùng cấp tính được giải quyết, một số lượng nhỏ tế bào sẽ cư trú trong tủy xương, đều đặn bơm ra lượng kháng thể khiêm tốn.

Để xem xét các tế bào nhớ B đặc trưng cho virus SARS-CoV-2, các nhà nghiên cứu do ông Ali Ellebedy thuộc Đại học Washington ở St. Louis (Mỹ) đứng đầu đã phân tích máu của 77 người trong khoảng thời gian 3 tháng, bắt đầu khoảng 1 tháng sau khi họ nhiễm COVID-19. Chỉ sáu trong số 77 người đã phải nhập viện vì COVID-19; số còn lại có triệu chứng nhẹ. Mức độ kháng thể ở những người này giảm nhanh chóng 4 tháng sau khi nhiễm bệnh và tiếp tục giảm chậm trong nhiều tháng sau đó - phù hợp với kết quả từ các nghiên cứu khác.

Một số nhà khoa học đã giải thích sự sụt giảm này là dấu hiệu của khả năng miễn dịch suy giảm, nhưng theo các chuyên gia thì đó chính xác là những gì được mong đợi. Nếu máu chứa một lượng lớn kháng thể chống lại mọi mầm bệnh mà cơ thể từng gặp phải, nó sẽ nhanh chóng chuyển thành một lớp bùn đặc!

Thay vào đó, nồng độ kháng thể trong máu giảm mạnh sau khi kết thúc nhiễm trùng cấp tính, trong khi các tế bào nhớ B vẫn nằm yên trong tủy xương, sẵn sàng hoạt động khi cần thiết.

Nhóm của Tiến sĩ Ellebedy đã lấy mẫu tủy xương từ 19 người khoảng 7 tháng sau khi họ nhiễm COVID-19. Trong đó, 15 người có tế bào nhớ B, và 4 người không có. Điều này cho thấy một số người có thể mang rất ít hoặc không có tế bào nhớ B.

“Nó cho tôi biết rằng ngay cả khi bạn bị nhiễm bệnh, điều đó không có nghĩa là bạn có phản ứng siêu miễn dịch”, Tiến sĩ Ellebedy nói. Phát hiện này củng cố ý tưởng rằng những người đã khỏi bệnh sau COVID-19 vẫn nên chủng ngừa, ông Ellebedy nói.

Năm trong số những người tham gia nghiên cứu của Tiến sĩ Ellebedy đã hiến tặng mẫu tủy xương vào khoảng 7-8 tháng sau khi họ bị nhiễm bệnh lần đầu và bốn tháng sau đó. Ông Ellebedy và các đồng nghiệp nhận thấy rằng số lượng tế bào nhớ B vẫn ổn định trong thời gian đó.

Chú thích ảnh
Vaccine phòng COVID-19 của Pfizer.

Khả năng bảo vệ kinh ngạc khi tiêm vaccine

Một nghiên cứu mang tính bước ngoặt vào năm 2007 cho thấy trên lý thuyết, các kháng thể có thể tồn tại nhiều thập kỷ, thậm chí có thể vượt xa tuổi thọ trung bình, cho thấy sự hiện diện lâu dài của các tế bào B. Nhưng nghiên cứu mới đã đưa ra một bằng chứng hiếm hoi về sự tồn tại của chúng - Tiến sĩ Gommerman, nhà miễn dịch học tại Đại học Toronton (Canada).

Nhóm của Tiến sĩ Nussenzweig đã xem xét xem các tế bào nhớ B trưởng thành theo thời gian ra sao. Họ phân tích máu của 63 người đã khỏi COVID-19 khoảng một năm trước đó. Phần lớn những người tham gia có các triệu chứng nhẹ và 26 người đã được tiêm ít nhất một liều vaccine Moderna hoặc Pfizer-BioNTech.

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra cái gọi là kháng thể trung hòa - cần thiết để ngăn ngừa tái nhiễm virus, đã không thay đổi trong khoảng thời gian từ 6 - 12 tháng, trong khi các kháng thể liên quan nhưng ít quan trọng hơn thì từ từ biến mất.

Khi các tế bào nhớ B tiếp tục phát triển, các kháng thể do chúng tạo ra đã có khả năng vô hiệu hóa một nhóm biến thể COVID-19 thậm chí còn rộng hơn. Một năm sau khi lây nhiễm, hoạt động vô hiệu hóa virus ở những người không được tiêm vaccine thấp hơn đối với tất cả các biến thể virus, trong đó tổn thương lớn nhất là trước biến thể SARS-CoV-2 được xác định lần đầu tiên ở Nam Phi. 

Như vậy, việc tiêm phòng đã khuếch đại đáng kể mức độ kháng thể, qua đó xác nhận kết quả từ các nghiên cứu khác: các mũi vaccine làm tăng khả năng vô hiệu hóa virus của cơ thể lên khoảng 50 lần.

Chú thích ảnh
Dù đã mắc COVID-19, Thượng nghị sĩ Rand Paul vẫn cần tiêm vaccine. Ảnh: CNN

Thượng nghị sĩ Rand Paul của đảng Cộng hòa Mỹ cho biết hôm 23/5 rằng ông sẽ không tiêm vaccine vì đã bị nhiễm COVID-19 vào tháng 3 năm ngoái và do đó đã được miễn dịch. Nhưng không có gì đảm bảo rằng khả năng miễn dịch như vậy sẽ đủ mạnh để bảo vệ ông Paul trong nhiều năm, đặc biệt là khi sự xuất hiện của các biến thể của COVID-19 có thể vượt qua khả năng phòng vệ của cơ thể.

Kết quả nghiên cứu của Tiến sĩ Nussenzweig cho thấy những người đã hồi phục sau COVID-19 và sau đó lại được tiêm chủng sẽ tiếp tục có mức độ bảo vệ cực cao chống lại các biến thể mới, ngay cả khi không được tiêm mũi tăng cường.

Thu Hằng/Báo Tin tức

Liên kết website

Thống kê truy cập

Số người online: 5
Tổng số truy cập: 266863